top of page
Ảnh của tác giảHealth Care

Mong bé khỏe mạnh mẹ bầu cần lưu ý các mốc khám thai này

Mốc khám thai quan trọng chị em thai phụ cần chú ý để thăm khám đúng lịch và kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường trong thai kỳ



Mốc khám thai đầu tiên: khoảng tuần thứ 5 - 8

Mốc khám thai quan trọng đầu tiên là tuần thứ 5 tới tuần thứ 8. Việc khám thai lần đầu thường diễn ra khi bà bầu có thai khoảng 5 – 8 tuần. Ở lần khám thai đầu tiên, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số đánh giá sau:

  • Kiểm tra cân nặng, chiều cao để tính chỉ số BMI của cơ thể nhằm đánh giá tình trạng thừa cân, béo phì. Nếu có bất thường, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách kiểm soát cân nặng khi mang thai để hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra.

  • Có thể xét nghiệm xét nghiệm máu về hormone bHcg trong các trường hợp siêu âm chưa rõ túi thai hoặc là siêu âm có biểu hiện thai bất thường.

  • Kiểm tra huyết áp biết thai phụ có bị cao huyết áp hay không và có biện pháp phòng ngừa nguy cơ bị tiền sản giật.

  • Siêu âm để kiểm tra vị trí phôi thai và tuổi thai nhằm kịp thời phát hiện các bất thường như thai ngoài tử cung...

  • Tính tuổi thai và ngày dự sinh của em bé dựa vào ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối.

  • Thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra một số bệnh sau: bệnh sởi, bệnh thủy đậu, viêm gan B, bệnh giang mai, HIV/AIDS, yếu tố Rh, nhóm máu,...

Tại buổi khám này, bác sĩ sẽ tư vấn cho thai phụ cách bổ sung các loại vitamin và khoáng chất cần thiết khi mang thai, tư vấn lối sống, dặn dò các loại thuốc và thực phẩm cần tránh trong thai kỳ,...



Mốc khám thai thứ 2: Trong khoảng thời gian từ tuần thứ 11 – 13 tuần 6 ngày

Vì sao gọi mốc khám thai tuần thứ 11 – 13 tuần +/- 6 ngày là “thời gian vàng”?

Vì giai đoạn này mẹ cần làm các xét nghiệm dị tật thai nhi quan trọng bao gồm xét nghiệm máu cho mẹ để kiểm tra mẹ có bệnh lý hay thiếu máu không, siêu âm đo khoảng sáng sau gáy kết hợp xét nghiệm Double Test để kiểm tra điểm bất thường nhiễm sắc thể của bé đặc biệt bệnh Down. Xét nghiệm NIPT ( Non - Invasive Prenatal Test) dựa trên ADN ngoại bào của nhau thai phóng thích vào máu mẹ nhằm phát hiện các dị tật bẩm sinh phổ biến do bất thường số lượng nhiễm sắc thể ( tam nhiễm sắc thể 21; 18 ;13 …) có thể thực hiện khi thai nhi được > 9 tuần tuổi , tỷ lệ chính xác > 99% các dị tật thai kể trên .Nếu mẹ thực hiện các xét nghiệm cùng với sự tư vấn của bác sĩ sẽ giúp mẹ có một thai kỳ tốt và yên tâm hơn.

Mốc khám thai thứ 3: từ tuần 16-22

  • Kiểm tra cân nặng, đo huyết áp;

  • Bác sĩ sẽ đo bề cao tử cung để theo dõi sự phát triển của thai nhi, nghe tim thai;

  • Xét nghiệm nước tiểu;

  • Nếu thai phụ chưa được thực hiện sàng lọc lệch bội nhiễm sắc thể trong 3 tháng đầu thai kỳ, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện Triple test – được thực hiện từ tuổi thai 15-18 tuần;

  • Khám hội chẩn tiền sản cho thai phụ có kết quả sàng lọc thuộc nhóm nguy cơ cao hoặc siêu âm thai có phát hiện bất thường;

  • Phát hiện các bất thường của mẹ:

    • Hở eo tử cung: dựa vào tiền căn, lâm sàng và siêu âm

    • Tiền sản giật: Huyết áp cao, Protein niệu

    • Dọa sẩy thai to hoặc dọa sanh non

  • Tiêm vắc-xin uốn ván VAT mũi đầu tiên.

Mốc khám thai thứ 4: trong khoảng thời gian từ tuần 22-28

Ở mốc khám thai quan trọng thứ 4, để theo dõi thai kỳ, bác sĩ sẽ thực hiện các đánh giá sau:

  • Kiểm tra cân nặng

  • Đo huyết áp

  • Khám thai: Đo khoảng cách từ đá tử cung xuống xương mu (được gọi là đo chiều cao tử cung và vòng bụng sản phụ) để theo dõi sự phát triển của thai nhi, kiểm tra tim thai

  • Xét nghiệm nước tiểu

  • Siêu âm tầm soát dị tật thai nhi. Bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm 4D để kiểm tra hình thái thai nhi, tầm soát các bất thường (tim, chân tay, bụng, xương, não, cột sống, thận) và kiểm tra vị trí bám của nhau thai, lượng nước ối

  • Tầm soát đái tháo đường thai kỳ: Bằng nghiệm pháp dung nạp glucose để kịp thời phát hiện đái tháo đường thai kỳ và can thiệp bằng cách thay đổi chế độ ăn, lối sống và có thể dùng thêm insulin

  • Tiêm vắc xin uốn ván VAT mũi đầu tiên



Mốc khám thai thứ 5: từ tuần 28-32

Ở mốc khám thai này mẹ nên đi khám để thực hiện siêu âm doppler thai mục đích phát hiện thai chậm tăng trưởng trong tử cung.

Mốc khám thai thứ 6: từ tuần 32-34

Mốc khám thai quan trọng này thai phụ sẽ khám thai mỗi 2 tuần 1 lần.

  • Kiểm tra cân nặng, đo huyết áp;

  • Đo bề cao tử cung để theo dõi sự phát triển của thai nhi, nghe tim thai;

  • Xét nghiệm nước tiểu;

  • Hướng dẫn thai phụ đếm cử động thai;

  • Thực hiện xét nghiệm Non-stress test để đánh giá sức khỏe thai nhi.

Mốc khám thai thứ 7: từ tuần 34-36

Bác sĩ sẽ thực hiện các đánh giá tương tự ở lần khám thai thứ 6 để theo dõi sự phát triển của thai và sức khỏe của mẹ.

Mốc khám thai thứ 8,9,10: từ tuần 36 đến tuần 39

Ở giai đoạn này thai phụ sẽ khám thai mỗi tuần 1 lần.

  • Ngoài những phần khám tương tự ở 3 tháng giữa thai kỳ, từ tuần 36 trở đi bác sĩ sẽ xác định thêm ngôi thai, ước lượng cân nặng thai nhi, đánh giá khung chậu, tiên lượng sinh thường hay sinh khó;

  • Hướng dẫn thai phụ đếm cử động thai, các triệu chứng bất thường cần nhập viện ngay như: ra huyết âm đạo, ra nước ối, đau bụng từng cơn, phù, nhức đầu chóng mặt…;

  • Bác sĩ sẽ tư vấn cho thai phụ cách nhận biết các dấu hiệu chuyển dạ để kịp thời nhập viện.

Đây là mốc quan trọng vì thai phụ sắp bước vào quá trình chuyển dạ. Ở giai đoạn này thai phụ sẽ phải đi khám thai mỗi tuần 1 lần. Khi khám, bác sĩ sẽ tiến hành các thăm khám thường quy như siêu âm, xét nghiệm máu để chuẩn bị cho cuộc sinh, nước tiểu, thực hiện Non-stress test và kiểm tra cổ tử cung để theo dõi thai kỳ.


Xem thêm bài viết:

10 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page